Monday 23 April 2012

Phúc trản


1- Nếu bạn thường đọc ngữ lục bạn có thể sẽ nhớ đến từ ngữ “phúc thuyền” của ngài Hoa Đình Thuyền Tử. Đây là một ngữ lục nổi tiếng trong nhà thiền, ghi trong Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 5, hoặc theo Thiền Uyển Dao Lâm thuộc tắc thiền ngữ “Thuyền Tử đắc lân”.

Sau khi truyền pháp cho Giáp Sơn, Hoa Đình dặn dò:
-  Ông từ nay về sau phải ở chỗ ẩn thân mất dấu vết, chỗ mất dấu vết chớ ẩn thân. Ta ở chỗ Dược Sơn gần ba mươi năm mới sáng được việc này. Nay ông đã được, về sau chớ ở  nơi làng xóm tụ lạc mà hãy đi vào trong núi sâu, bên cây cuốc tìm lấy một người để tiếp nối chớ để đoạn mất.
Sơn liền từ giã Sư mà đi. Khi bước đi, Sơn thỉnh thoảng xoay đầu lại nhìn.
Sư bèn gọi: Xà lê!
Sơn liền quay đầu lại. Sư dựng đứng mái chèo nói: Ông cho rằng còn có cái gì khác nữa ư!
Rồi úp thuyền mà tịch.[1]


Một đoạn ngữ lục đầy bi tráng hào khí, đọc lại vừa cảm khái vừa bâng khuâng. Nếu không có những dũng khí của một người “ta ở Dược Sơn ba mươi năm mới sáng được việc này” thì bộ Ngũ Đăng đâu đến hai mươi quyển.

Nay chỉ một chướng ngại nhỏ đã lùi bước, một vấp váp đã quay lưng. May còn những trang ngữ lục để giữa rộn ràng bộn rộn, có một tiếng chuông nhắc sự trở về. 

2- Ngắm bức tranh, hoặc giả chủ nhân của nó đã đi xa, chưa hẹn ngày trở về. Bình trà chỉ như một chứng tích rằng, ngày xưa đã có một người ở nơi đây, thường uống trà buổi sớm. Bây giờ chén úp xuống phủ một lớp bụi thời gian. 

3- Có lẽ mỗi bức họa có một tâm tình riêng gởi gấm vào đó. Hoặc có thể cũng đơn giản, chỉ là chén đã bể, được dán lại, không thể sử dụng, nhưng là vật cũ kỹ được lưu cất khi nó còn một giá trị của chứng nhân. 

Không uống nữa. Cử chỉ dứt khoát lộ ra, mọi việc xếp lại, đóng lại. Có nghĩa rằng trong tâm mọi việc chưa xong, nếu xong chẳng có gì để nói, huống nữa là phải nói tiếng không với chính mình. Khi phải nói tiếng không có nghĩa rằng mọi việc đang có. 





[1] 遂囑曰:「汝向去直須藏身處沒蹤跡,沒蹤跡處莫藏身。吾三十年在藥山,祇明斯事。汝今既得,他後莫住城隍聚落,但向深山裡、钁頭邊,覓取一箇半箇接續,無令斷絕。」山乃辭行,頻頻回顧。師遂喚「闍黎」!山乃回首,師豎起橈子曰:「汝將謂別有。」乃覆船入水而逝.
  Phúc trản = úp chén (trà)