Monday 23 April 2012

Phúc trản


1- Nếu bạn thường đọc ngữ lục bạn có thể sẽ nhớ đến từ ngữ “phúc thuyền” của ngài Hoa Đình Thuyền Tử. Đây là một ngữ lục nổi tiếng trong nhà thiền, ghi trong Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 5, hoặc theo Thiền Uyển Dao Lâm thuộc tắc thiền ngữ “Thuyền Tử đắc lân”.

Sau khi truyền pháp cho Giáp Sơn, Hoa Đình dặn dò:
-  Ông từ nay về sau phải ở chỗ ẩn thân mất dấu vết, chỗ mất dấu vết chớ ẩn thân. Ta ở chỗ Dược Sơn gần ba mươi năm mới sáng được việc này. Nay ông đã được, về sau chớ ở  nơi làng xóm tụ lạc mà hãy đi vào trong núi sâu, bên cây cuốc tìm lấy một người để tiếp nối chớ để đoạn mất.
Sơn liền từ giã Sư mà đi. Khi bước đi, Sơn thỉnh thoảng xoay đầu lại nhìn.
Sư bèn gọi: Xà lê!
Sơn liền quay đầu lại. Sư dựng đứng mái chèo nói: Ông cho rằng còn có cái gì khác nữa ư!
Rồi úp thuyền mà tịch.[1]


Một đoạn ngữ lục đầy bi tráng hào khí, đọc lại vừa cảm khái vừa bâng khuâng. Nếu không có những dũng khí của một người “ta ở Dược Sơn ba mươi năm mới sáng được việc này” thì bộ Ngũ Đăng đâu đến hai mươi quyển.

Nay chỉ một chướng ngại nhỏ đã lùi bước, một vấp váp đã quay lưng. May còn những trang ngữ lục để giữa rộn ràng bộn rộn, có một tiếng chuông nhắc sự trở về. 

2- Ngắm bức tranh, hoặc giả chủ nhân của nó đã đi xa, chưa hẹn ngày trở về. Bình trà chỉ như một chứng tích rằng, ngày xưa đã có một người ở nơi đây, thường uống trà buổi sớm. Bây giờ chén úp xuống phủ một lớp bụi thời gian. 

3- Có lẽ mỗi bức họa có một tâm tình riêng gởi gấm vào đó. Hoặc có thể cũng đơn giản, chỉ là chén đã bể, được dán lại, không thể sử dụng, nhưng là vật cũ kỹ được lưu cất khi nó còn một giá trị của chứng nhân. 

Không uống nữa. Cử chỉ dứt khoát lộ ra, mọi việc xếp lại, đóng lại. Có nghĩa rằng trong tâm mọi việc chưa xong, nếu xong chẳng có gì để nói, huống nữa là phải nói tiếng không với chính mình. Khi phải nói tiếng không có nghĩa rằng mọi việc đang có. 





[1] 遂囑曰:「汝向去直須藏身處沒蹤跡,沒蹤跡處莫藏身。吾三十年在藥山,祇明斯事。汝今既得,他後莫住城隍聚落,但向深山裡、钁頭邊,覓取一箇半箇接續,無令斷絕。」山乃辭行,頻頻回顧。師遂喚「闍黎」!山乃回首,師豎起橈子曰:「汝將謂別有。」乃覆船入水而逝.
  Phúc trản = úp chén (trà)

Khách trà



Một đêm ngồi uống trà dưới sương lạnh của núi rừng, tôi bảo bạn, sau này mình lập một quán trà để tiếp người. Bạn cười bảo, bạn cũng nghĩ thế. Một lời hẹn vu vơ cho năm tháng tuổi già.

Trong thiền sử có đoạn: “Pháp Chân Đại Tùy trở về đất Thục. Trụ ở chùa Long Hoài núi Bằng Khẩu Thiên Bành. Bên đường nấu trà tiếp đãi người qua lại trong ba năm.”*  thi vị sao đoạn thiền sử này.

Ai biết ông lão bên vệ đường đó đã có những năm tháng tu học còn ghi trong sử sách: “Sau đó Sư đến hội của Đại Quy ở Ngũ Lĩnh nhiều năm. Ăn chẳng cầu no, nằm chẳng cầu ấm, khắc khổ tu luyện, tiết tháo hơn người. Đại Quy thầm cho là bậc pháp khí.”

Khi ra tiếp độ người là đã bao năm khổ công tu tập, coi mọi thứ trên cuộc thế nhẹ như mây nổi. Nhìn khách qua lại nâng chén trà mà để mây trắng bay bay ngàn dặm, có tiếc chăng. Những luận bàn đạo pháp chỉ như lá trà nổi bềnh bồng trên chén trà, mà chưa một lần nhìn thấy gương mặt mình in bóng trong chén trà trong xanh kia.

Đất Bằng Khẩu là nơi trà nổi tiếng nhất Thành Đô Tứ Xuyên ngày xưa. Còn Thiên Bành thì mệnh danh “đệ nhất hoa mẫu đơn nơi đất Thục”. Khách trà đến nơi đây rất nhiều, đến nỗi vang danh trong thơ “Bằng Khẩu gặp bạn hiền” (Bằng Khẩu phùng bạn nhân). Tương phùng đó, nhưng có bao nhiêu người biết được lão nhân kia.

Ba năm ngắn ngủi với quán trà tiếp khách bên đường, có chăng để chờ gặp một người khách biết uống trà. Như ngài Hoa Đình Thuyền Tử kia, thả thuyền qua sông đưa đón khách để chờ câu được một con cá vàng. Đến khi Đức Thành 
Hoa Đình truyền pháp được cho Giáp Sơn bèn úp thuyền mà tịch. Bi tráng và hào hùng những trang sử khí phách một thời.

Cuộc đời ngài Hư Vân, một Cao tăng thời đại của thế kỷ XX vừa qua. Sự tu tập của Ngài khiến cho bọn hậu học như chúng tôi chỉ một lòng kính phục, không sao thực thi nổi. Trải qua biết bao năm tháng khổ cầu, một hôm đang trong khóa tu, vị hộ thất rót nước sôi pha trà, văng trúng tay Ngài, chén trà rơi xuống đất vang lên một tiếng, bất chợt đại ngộ. Đọc thật đơn giản, nhưng theo dõi cả một khoảng đời tu tập của Ngài mới hiểu vì sao một hành động đơn giản mà tỏ ngộ việc chính mình.
Sau đó Ngài làm bài kệ:
Bôi tử phốc lạc địa,
Hưởng thinh minh lịch lịch,
Hư không phấn toái dã,
Cuồng tâm đương hạ tức.
Chén trà rơi xuống đất,
Tiếng vang nghe loảng xoảng,
Hư không nát vụn ra,
Tâm cuồng ngay đó dứt.

Truyện kể về ngộ đều đơn giản, chỉ là “ngay lời nói, sư đại ngộ”, “ngay đó sư liền có tỉnh”… ngay đó, không có dấu vết của khổ công tìm cầu, nhưng gói trọn hết khoảng đời tu tập, đầy đặn không một chút khiếm khuyết, trời thái hư trước mắt mới hiển lộ.

Người xưa thường uống trà nên sẵn đem trà ra bày tỏ tấc dạ. Thầm chỉ cho những ai hữu duyên.
Trong cuộc thế tính bằng a-tăng-kì, tôi chắc hẳn đã một lần ghé qua quán trà ấy. Tiếc thay đã chỉ uống trà mà không biết uống trà, nên đến giờ vẫn còn lạc lối chưa về đến quê nhà.

“Mấy chú bớt nghệ sĩ tính dùm thầy một chút”, lời Sư phụ thường răn nhắc chúng tôi, khi đêm trăng cả bọn trốn thời khóa ra sau vườn uống trà. Học dần hiểu ra sự phóng khoáng của các bậc thầy và sự buông lung phóng túng của bọn trò.

Như một lối mòn, nước cứ theo đó mà chảy, muốn sửa lối đi của nước không phải dễ, nhưng rồi sẽ có lúc sửa được. Khi nhìn bản đồ sông Hoàng Hà đổi dòng. Ngày xưa nó đi đường khác ra biển, bây giờ đường xưa đã mất, nó đã mở một con đường mới về biển rồi.

Đã mở một con đường mới về biển rồi. Là bước chân ai mở lối bên chén trà ngài Đại Tùy Pháp Chân còn để bên ven đường từ ngàn năm cũ.





Đâu hẳn chờ xuân


Như vậy có nghĩa là.... Vâng đúng vậy, như tôi đang nhìn bạn, và thấy mùa xuân trong mắt bạn. Niềm vui đơn giản và giản dị như chính nó.
Ta muốn hỏi tri âm trời lận đận
Khóm cúc già bên giậu nở hay chưa.
Chưa hẳn vậy là tôi đang buồn đâu nhé, vì ít nhất tôi cũng có một tri âm để hỏi. Nhưng khi nói như thế cũng nghe một điều gì mong manh trong đó. Trời Đà lạt sáng nay mưa nhẹ đủ để nghe lạnh. Tôi  bâng quơ đọc đi đọc lại câu thơ viết trên tường trong khuôn viên Sử quán XQ. Khóm cúc già, tác giả muốn hỏi khóm cúc già nào đó thực ư, tôi không dám chắc. Nở hay chưa! Sao tôi cứ mường tượng như một vị thầy đang hỏi đệ tử, và với cái nhìn xuyên thấu tâm tư người đệ tử mà không cần câu trả lời. “Ta mừng ông”, vậy có nghĩa là khóm cúc già đã nở hay sao.
Hôm qua uống trà với huynh đệ tới khuya, bạn có nói, nè, có câu này hay lắm để em đọc huynh đệ nghe.
Lỡ đọa trần gian thì không tiếc
chỉ tiếc trên đời thiếu tri âm.
Tôi quên chưa kịp hỏi của ai. Nhưng chắc thế. Có mặt nơi đây cũng đâu có gì đáng tiếc lắm, chỉ tiếc đóa sen trên hội Linh Sơn, có mấy tri âm!
Tri âm, người ta nhắc mãi điều này trong một tâm tình mang âm hưởng khó minh định là gì. Và dường như có những điều bất khả để khiến tâm tình mỗi người, chỉ có thể khi bên chén trà độc ẩm mới thấm hết những gì chứa đựng trong đó.
Tôi không biết mình có thói quen uống trà từ lúc nào, nhưng cái lặng lẽ một mình tự nó là mùa xuân. Dù rằng không thể tránh khỏi những lúc mưa xuân bất chợt. Có những điều người ta không thể nói dù rất muốn nói. Nhưng lúc nào đó, tình cờ mở trang sách:
“Ông già đưa chung pha lê lên hỏi Sư:
- Phương nam lại có cái này chăng?
Sư thưa:
- Không.
- Hằng ngày lấy cái gì uống trà?”
Thế là mùa xuân!
Như một lần trong nỗi buồn đất khách, nâng tách trà lên, chưa kịp uống bất chợt nhìn thấy câu:
tri âm nan tầm,
tương thức vi duyên.
tương thức vi duyên. Thế là mùa xuân!
Ta sẽ định cùng ai kể lể,
một nỗi niềm hư huyễn giữa chiêm bao.
(Bùi Giáng)
Sẽ định cùng ai! Tôi vẫn thường nhìn Thầy tôi trong cái lặng lẽ âm thầm. Vẫn thường tự hỏi sao Thầy có thể chỉ ra trong cái mong manh hư huyễn một niềm tin vững chắc được nhỉ. Để cho những gã cùng tử thường sống trong cơn say như tôi tiếp tục những lời thơ dường như vô nghĩa.
...
chút lửa hồng nhen nhúm,
gởi đến Tung Sơn một sáng xuân.

/