Monday 23 April 2012

Khách trà



Một đêm ngồi uống trà dưới sương lạnh của núi rừng, tôi bảo bạn, sau này mình lập một quán trà để tiếp người. Bạn cười bảo, bạn cũng nghĩ thế. Một lời hẹn vu vơ cho năm tháng tuổi già.

Trong thiền sử có đoạn: “Pháp Chân Đại Tùy trở về đất Thục. Trụ ở chùa Long Hoài núi Bằng Khẩu Thiên Bành. Bên đường nấu trà tiếp đãi người qua lại trong ba năm.”*  thi vị sao đoạn thiền sử này.

Ai biết ông lão bên vệ đường đó đã có những năm tháng tu học còn ghi trong sử sách: “Sau đó Sư đến hội của Đại Quy ở Ngũ Lĩnh nhiều năm. Ăn chẳng cầu no, nằm chẳng cầu ấm, khắc khổ tu luyện, tiết tháo hơn người. Đại Quy thầm cho là bậc pháp khí.”

Khi ra tiếp độ người là đã bao năm khổ công tu tập, coi mọi thứ trên cuộc thế nhẹ như mây nổi. Nhìn khách qua lại nâng chén trà mà để mây trắng bay bay ngàn dặm, có tiếc chăng. Những luận bàn đạo pháp chỉ như lá trà nổi bềnh bồng trên chén trà, mà chưa một lần nhìn thấy gương mặt mình in bóng trong chén trà trong xanh kia.

Đất Bằng Khẩu là nơi trà nổi tiếng nhất Thành Đô Tứ Xuyên ngày xưa. Còn Thiên Bành thì mệnh danh “đệ nhất hoa mẫu đơn nơi đất Thục”. Khách trà đến nơi đây rất nhiều, đến nỗi vang danh trong thơ “Bằng Khẩu gặp bạn hiền” (Bằng Khẩu phùng bạn nhân). Tương phùng đó, nhưng có bao nhiêu người biết được lão nhân kia.

Ba năm ngắn ngủi với quán trà tiếp khách bên đường, có chăng để chờ gặp một người khách biết uống trà. Như ngài Hoa Đình Thuyền Tử kia, thả thuyền qua sông đưa đón khách để chờ câu được một con cá vàng. Đến khi Đức Thành 
Hoa Đình truyền pháp được cho Giáp Sơn bèn úp thuyền mà tịch. Bi tráng và hào hùng những trang sử khí phách một thời.

Cuộc đời ngài Hư Vân, một Cao tăng thời đại của thế kỷ XX vừa qua. Sự tu tập của Ngài khiến cho bọn hậu học như chúng tôi chỉ một lòng kính phục, không sao thực thi nổi. Trải qua biết bao năm tháng khổ cầu, một hôm đang trong khóa tu, vị hộ thất rót nước sôi pha trà, văng trúng tay Ngài, chén trà rơi xuống đất vang lên một tiếng, bất chợt đại ngộ. Đọc thật đơn giản, nhưng theo dõi cả một khoảng đời tu tập của Ngài mới hiểu vì sao một hành động đơn giản mà tỏ ngộ việc chính mình.
Sau đó Ngài làm bài kệ:
Bôi tử phốc lạc địa,
Hưởng thinh minh lịch lịch,
Hư không phấn toái dã,
Cuồng tâm đương hạ tức.
Chén trà rơi xuống đất,
Tiếng vang nghe loảng xoảng,
Hư không nát vụn ra,
Tâm cuồng ngay đó dứt.

Truyện kể về ngộ đều đơn giản, chỉ là “ngay lời nói, sư đại ngộ”, “ngay đó sư liền có tỉnh”… ngay đó, không có dấu vết của khổ công tìm cầu, nhưng gói trọn hết khoảng đời tu tập, đầy đặn không một chút khiếm khuyết, trời thái hư trước mắt mới hiển lộ.

Người xưa thường uống trà nên sẵn đem trà ra bày tỏ tấc dạ. Thầm chỉ cho những ai hữu duyên.
Trong cuộc thế tính bằng a-tăng-kì, tôi chắc hẳn đã một lần ghé qua quán trà ấy. Tiếc thay đã chỉ uống trà mà không biết uống trà, nên đến giờ vẫn còn lạc lối chưa về đến quê nhà.

“Mấy chú bớt nghệ sĩ tính dùm thầy một chút”, lời Sư phụ thường răn nhắc chúng tôi, khi đêm trăng cả bọn trốn thời khóa ra sau vườn uống trà. Học dần hiểu ra sự phóng khoáng của các bậc thầy và sự buông lung phóng túng của bọn trò.

Như một lối mòn, nước cứ theo đó mà chảy, muốn sửa lối đi của nước không phải dễ, nhưng rồi sẽ có lúc sửa được. Khi nhìn bản đồ sông Hoàng Hà đổi dòng. Ngày xưa nó đi đường khác ra biển, bây giờ đường xưa đã mất, nó đã mở một con đường mới về biển rồi.

Đã mở một con đường mới về biển rồi. Là bước chân ai mở lối bên chén trà ngài Đại Tùy Pháp Chân còn để bên ven đường từ ngàn năm cũ.